Tiền mã hóa có phải chịu thuế?
Năm 2022 Tòa án nhân dân tối cao có đưa ra dự thảo án lệ số 17 về việc xác định tính chịu thuế của tiền mã hóa cryptocurrency. Thật đáng tiếc khi mình biết đến bản dự thảo án lệ này quá trễ và không kịp đưa lên đóng góp trên kênh chính thức.
Bản thảo bài nghiên cứu này đã được gửi đến Tạp chí Tòa án nhưng bị từ chối đăng vì lý do án lệ số 17 không được thông qua. Tuy nhiên, tính thời sự của bản dự thảo án lệ này thì vẫn còn rất nóng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa đang có dấu hiệu sôi động lại vào cuối năm 2023.
Do không có nhiều thời gian để chỉnh sửa lại bài viết và đăng lại trên tạp chí khác, mình đăng tải lại toàn bộ nội dung bản thảo để các nhà nghiên cứu khác tham khảo, bình luận.
Tóm tắt
Trong những năm gần đây, thế giới tiền điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng và đổi mới nhanh chóng, làm thay đổi căn bản bối cảnh tài chính toàn cầu. Khi những tài sản kỹ thuật số này tiếp tục trở nên phổ biến, các chính phủ và cơ quan thuế trên khắp thế giới đang phải vật lộn với thách thức quản lý và đánh thuế một cách hiệu quả. Bài viết này phân tích bản thảo án lệ số 17/2023 và những cập nhật gần đây về chính sách thuế tiền điện tử và nêu những nhu cầu cấp thiết về cập nhật án lệ cho phù hợp với luật pháp đang phát triển xung quanh các tài sản kỹ thuật số này.
In recent years, the world of cryptocurrencies has witnessed rapid growth and innovation, fundamentally transforming the global financial landscape. As these digital assets continue to gain prominence, governments and tax authorities around the world are grappling with the challenge of effectively regulating and taxing them. This article explores the recent updates in cryptocurrency taxation and highlights the pressing need for updated case law to align with the evolving jurisprudence surrounding these digital assets.
1. Tóm tắt nội dung dự thảo án lệ số 17:
- Tình huống án lệ:
Cá nhân tham gia mua bán tiền kỹ thuật số (tiền ảo) trên mạng internet, có thu nhập từ việc này và bị cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật và tuyên hủy quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế.
2. Bình luận dự thảo
2.1. Về thuật ngữ sử dụng
Dự thảo án lệ (DTAL) sử dụng thuật ngữ tiền kỹ thuật số (tiền ảo) để đề cập đối tượng bị điều chỉnh là chưa đáp ứng tính chính xác của khoa học pháp lý. Như đã được đề cập trong một số nghiên cứu được công bố trước đây (Nguyễn 2020; Lê 2021) tiền mã hóa (cryptocurrency), tiền ảo (virtual currency), và tiền kỹ thuật số (digital currency) là các khái niệm có tính khác biệt nhất định.
Thực chất nội dụng của án lệ này chỉ đang đề cập đến đối tượng điều chỉnh là tiền mã hóa như Bitcoin (cryptocurrency) chứ không đề cập đến đối tượng lớn hơn là tiền kỹ thuật số.
Mặc dù còn nhiều bất đồng về thuật ngữ sử dụng, nhưng nhìn chung tiền ảo ban đầu được sử dụng như một khái niệm rộng hơn, bao gồm cả tiền kỹ thuật số, [2] tiền mã hóa, và tiền “hoàn toàn ảo”.[3]
Hiện nay khái niệm tiền kỹ thuật số đã có một sự chuyển dịch đáng kể, thường được sử dụng để đề cập về tiền kỹ thuật số ngân hàng trung tâm (central bank digital currencies – CBDC), là các đồng tiền được thừa nhận về mặt pháp lý bởi nhiều quốc gia, đáng kể đến là Digital Euro của liên minh châu Âu và e-CNY của Trung Quốc.
Cần lưu ý CBDC cũng có thể được xây dựng dựa trên nền tảng mã hóa (cryptographic) hoạt động trên cụm máy chủ riêng,[4] nhưng không nhất thiết phải dựa trên công nghệ này.[5] Do đó, CBDC có thể là tiền mã hóa có nguyên tắc hoạt động tương đồng như Bitcoin,[6] hoặc không.
Như vậy, về mặt khoa học pháp lý, DTAL cần sử dụng chính xác thuật ngữ được sử dụng trong bản án để tránh gây hiểu lầm về đối tượng điều chỉnh; đặc biệt trong bối cảnh hiện nay các đồng tiền kỹ thuật số CBDC là đồng tiền pháp định được thừa nhận bởi nhiều quốc gia và sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới trong tương lai.
2.2. Về thuế thu nhập cá nhân
Tại đoạn số [10], DTAL đã viện dẫn Điều 2 và Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 về đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế, Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về tài sản để xác định căn cứ pháp lý cho việc đánh thuế TNCN.
Về căn cứ pháp lý DTAL đã viện dẫn thì hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên thật đáng tiếc khi trong DTAL không phân tích rõ vì sao thu nhập có từ việc mua bán trao đổi tiền lại không thuộc đối tượng chịu thuế TNCN.
Chỉ với viện dẫn này, có thể suy luận rằng DTAL đã lập luận theo 1 trong 2 hướng: hoặc thu nhập chịu thuế không phát sinh tại Việt Nam, hoặc thu nhập không thuộc diện chịu thuế.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TNCN thì Đối tượng nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú và có phát sinh thu nhập chịu thuế trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Như vậy tất cả công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN dù thu nhập phát sinh trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nếu nói rằng thu nhập từ giao dịch tiền mã hóa không thuộc diện thu nhập chịu thuế, lập luận này có nhiều phần chưa vững chắc.
Xét về mặt từ ngữ, danh sách thu nhập chịu thuế tại Điều 3 Luật thuế TNCN tuy được thiết kế là một danh sách đóng(“gồm các loại thu nhập sau đây”), nhưng lại có phần mở bởi những khoản có từ “khác” (VD các điểm 2.đ, 3.c, 4.c, 5.d) và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Quan điểm về thu nhập từ đầu tư vốn
Quan điểm của tác giả cho rằng, thu nhập từ việc mua bán, chuyển nhượng tiền mã hóa hoàn toàn có thể xếp vào điểm c, khoản 3, Điều 3 Luật Thuế TNCN, là một “Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác”, được hướng dẫn bởi Nghị định 65/2013/NĐ-CP tại điểm c khoản 3 Điều 3, và hướng dẫn chi tiết tại điểm e, khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC “Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế”, bởi lẽ:
Thứ nhất, không khó để thuyết phục rằng bản chất của việc mua bán, chuyển nhượng tiền mã hóa là hoạt động đầu tư (bất kể tính hợp pháp của loại hình sở hữu này), theo đó nó là giao dịch đầu tư tiền pháp định (ví dụ như Việt Nam đồng) hoặc tài sản pháp định khác để nhận được phần sở hữu của một “tài sản” có giá trị tương đương.
Về ý thức chủ quan, khó có thể thuyết phục được rằng người giao dịch tiền mã hóa không có ý định dùng tài sản pháp định để đầu tư và hy vọng sinh lời.
Thậm chí kể cả nếu người giao dịch tiền mã hóa cho rằng không có ý định mua tiền mã hóa để đầu tư sinh lời mà chỉ để thuận tiện giao dịch; thì thực tế đối với giao dịch này nhận thức của người tham gia cũng sẽ vẫn sẽ là kỳ vọng có lợi ích nhận được, nhưng phần lợi ích này có hoặc không thể quy đổi trực tiếp thành tiền mặt. VD: người tham gia giao dịch có thể giao dịch được với chi phí thấp hơn, tốc độ nhanh hơn, hoặc thực hiện giao dịch kể cả thuộc trường hợp bị pháp luật cấm/hạn chế thực hiện giao dịch.
Thứ hai, về mặt nhận thức xã hội, thực tế hiện nay việc đầu tư, mua bán tiền mã hóa đang xảy ra rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.[7] Cụ thể hơn, với hơn 16,6 triệu người sở hữu tiền mã hóa, có thể khẳng định rằng xã hội Việt Nam đang nhìn nhận hoạt động mua bán chuyển nhượng tiền mã hóa là một kênh đầu tư (Anh 2023).
Quan điểm về xác định quan hệ pháp luật thuế
Nếu không bị thuyết phục bởi quan điểm về đưa việc xếp thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng tiền kỹ thuật số là hoạt động đầu tư vốn, thì khi xét xử Tòa án vẫn cần cân nhắc một số điểm sau:
Thứ nhất, về mặt nguyên lý, trong quan hệ pháp luật dân sự, lợi ích về vật chất, tinh thần hoặc lợi ích khác mà chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia quan hệ giao dịch tiền mã hóa chính là khách thể của quan hệ này. Chỉ cần chủ thể của quan hệ đạt điều kiện chủ thể, thì có thể xác định quan hệ pháp luật dân sự có tồn tại, bởi lẽ pháp luật dân sự có thiết kế mở rộng và chấp nhận mọi loại hợp đồng, giao dịch nếu nó không vi phạm vào điều cấm (khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015). Trên cơ sở xác định tồn tại một quan hệ pháp luật dân sự đem lại lợi ích đo được bằng tiền cho chủ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể xác lập quan hệ pháp luật hành chính (thu thuế) đối với người nhận được lợi ích đó.
Thứ hai, nếu phân tích về mặt ngôn từ được sử dụng tại các điều luật và hướng dẫn đã được viện dẫn trên, tất cả thu nhập nhận được từ đầu tư vốn sẽ thuộc thu nhập chịu thuế. Danh sách đi kèm chỉ là các trường hợp cụ thể được làm rõ, không phải là danh sách giới hạn các loại đầu tư vốn phải chịu thuế.
Thực tiễn áp dụng trên thế giới
Trên thực tế, quan điểm đánh thuế TNCN đối với thu nhập có được từ giao dịch tiền kỹ thuật số cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu khoa học khác đã được công bố, cũng như phù hợp với thực tiễn được áp dụng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới (Baer et al. 2023, 11). Hiện nay đã có rất nhiều quốc gia đưa ra chính sách đặc biệt đối với thuế về tiền mã hóa, trong đó nêu rõ đối với quan hệ pháp luật về thuế, tiền mã hóa được xem là tài sản thuốc đối tượng chịu sự quản lý thuế (Baer et al. 2023, 10)
Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra trong tương lai Việt Nam cần phải thừa nhận tư cách tiền mã hóa như một loại tài sản (Lê 2021; Nguyễn 2020; Trần và Nguyễn 2020). Để án lệ có thể mang tính áp dụng lâu dài trong tương lai, nó cần phải được xây dựng phù hợp với xu thế được ghi nhận bởi nghiên cứu khoa học pháp lý tương ứng.
Cần ghi nhận rằng DTAL đã nhận định chính xác hành vi chuyển nhượng tiền mã hóa không phải là hành vi bị cấm (thực tế chỉ có quy định cấm sử dụng, cung ứng, phát hành tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán),[8] và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý đề quản lý tiền điện tử, tài sản ảo.[9]
2.3. Về thuế GTGT
Cũng tại đoạn [10], quan điểm của DTAL cho rằng giao dịch tiền mã hóa không chịu thuế GTGT. Lập luận này tuy chặt chẽ và phù hợp quy định của pháp luật hiện hành Việt Nam nhưng dường như lại thiếu tính mở rộng cần thiết cho một án lệ.
Để phát triển thành một án lệ có tính bao quát cao, xét thấy Tòa án cần căn cứ vào các nghiên cứu khoa học có độ uy tín cao để đưa vào phần nhận định về sự phức tạp trong việc xác định bản chất của các loại tiền mã hóa đang được giao dịch trên thị trường thực tế.
Trước các khó khăn của việc xác định giá trị chuyển nhượng để làm căn cứ tính thuế, nhiều quốc gia đã ban hành văn bản cụ thể miễn đánh thuế VAT đối với giao dịch tiền mã hóa (Baer et al. 2023, 12). Tuy nhiên, như sẽ phân tích cụ thể hơn ở mục dưới, các đồng stablecoin với tính chất ổn định về giá, có thể vẫn phải chịu thuế VAT (Waerzeggers, Aw, và Cheng 2023)
3. Một số vấn đề liên quan cần được cân nhắc
Khi xác định được giao dịch một đồng tiền mã hóa có phải là đối tượng chịu thuế hay không, Tòa án cần phải xác định bản chất của loại tiền mã hóa được giao dịch và đánh giá mức độ liên quan với hệ thống pháp luật hiện hành, để tránh đưa ra một bản án có tính chất quá mức khái quát hoặc lại quá mức sâu sát dẫn đến việc điều chỉnh không đúng đối tượng cần điều chỉnh.
3.1. Tiền mã hóa có phải chứng khoán
Hiện nay trên thế giới, và đặc biệt là tại Mỹ, vấn đề pháp lý của việc xác định tiền mã hóa có phải là chứng khoán hay không đang là vấn đề rất nóng bỏng. Trong phạm vi vụ kiện này, mục tiêu của việc xác định tiền mã hóa có phải là chứng khoán hay không là để xác định công ty Ripple có vi phạm pháp luật về phát hành chứng khoán hay không.[10] Nhưng đi kèm đó, nếu xác định tiền mã hóa là một dạng chứng khoán thì việc xác định việc mua bán chuyển nhượng tiền mã hóa là hoạt động đầu tư (dưới góc độ nhà đầu tư) gần như là quan hệ nhân quả tất yếu.
Phiên tòa của Mỹ giữa SEC (Ủy ban chứng khoán) và công ty Ripple hiện vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, nhưng trong phán quyết gần đây (tháng 7/2023) Ripple đã có một chiến thắng quan trọng khi Tòa án không bị thuyết phục rằng đồng XRP mà Ripple bán trên các sàn là một loại chứng khoán.(Jody 2023)
Điểm đáng lưu ý ở đây là không phải loại tiền mã hóa nào cũng như nhau, do đó nếu đồng XRP không bị xem là chứng khoán không đồng nghĩa với tất cả thiền mã hóa cũng đều không bị xem là chứng khoán.
Cụ thể, trong sách trắng (whitepaper) của Ripple,[11] họ đã xác định đồng XRP được xác lập với mục tiêu trở thành một phương thức giao dịch, có tác dụng tương đương với một loại tiền tệ, là một mạng blockchain cấp 1 (L1) tương đương với Bitcoin hoặc Ethereum. Một đặc điểm quan trọng của mạng blockchain cấp 1 là đồng tiền mã hóa (coin) của nó được phát sinh không phải là phần lợi tức (lợi nhuận) thu được của dự án mà chỉ đơn giản là phần được thuật toán ghi nhận đối với công sức đóng góp xây dựng, duy trì mạng lưới đối với người tham gia. Tỉ lệ ghi nhận này hoàn toàn phụ thuộc vào thuật toán được xây dựng ban đầu, sau khi hệ thống đã vận hành thì việc thay đổi nó (tỉ lệ ghi nhận) cần sự đồng thuận của đa số thành viên tham gia hệ thống chứ không chỉ là ý kiến của người sáng lập hệ thống.
Ở một thái cực khác, các dự án xây dựng dựa trên blockchain cấp 1 hoặc cấp 2 cũng có thể có đồng tiền mã hóa của mình nhưng ở dạng khác (token).[12] Các token này được phát hành (mint) bởi nhà sáng lập và các nhà sáng lập có quyền chủ động phát hành thêm token mới. Ngoài việc sử dụng token để thanh toán cho dịch vụ, token đôi khi còn có vai trò cho phép người sở hữu tham gia biểu quyết quyền quản trị hệ thống (DAO), với tính chất có phần tương đồng với cổ phiếu biểu quyết. Với cách diễn giải này, không khó để hình dung các token của các dự án này có tính chất rất giống với cổ phiếu, và người giao dịch token này là nhà đầu tư cổ phiếu.
Mặt khác, hoạt động phát hành ban đầu (Initial coin offering - ICO) của các dự án tiền mã hóa cũng là một hình thức kêu gọi đầu tư vốn có nhiều đặc tính giống với phát hành chứng khoán (IPO) và cần được điều chỉnh bởi pháp luật thuế.
3.2. Tiền mã hóa ổn định (stablecoin)
Hiện tại có rất nhiều dự án tiền mã hóa được xây dựng với mục đích trở thành một đồng tiền ổn định đóng vai trò làm trung gian thanh toán hoặc lưu trữ giá trị. Đáng kể ở đây cần nhắc đến 3 ví dụ là TetherUSD (USDT), Digital Euro và Luna stablecoin (UST).
Với vai trò là một CBDC, Digital Euro không thừa nhận mình là một đồng tiền mã hóa (cryptocurrency) với lập luận cho rằng đồng Digital Euro được phát hành và bảo chứng bởi một ngân hàng trung tâm.[13] Nhưng về mặt kỹ thuật, không thể phủ nhận bản chất Digital Euro cũng vẫn là một loại tiền mã hóa khi nó xây dựng dựa trên công nghệ blockchain tư (để phân biệt với blockchain công cộng như Bitcoin).[14]
TetherUSD có thể nói là tiên phong trong việc phát hành tiền mã hóa ổn định, nó được phát hành và bảo chứng bởi tài sản của một tổ chức phi ngân hàng, ban đầu chạy trên Bitcoin blockchain và sau đó được mở rộng ra các blockchain khác. Tương tự, UST là một đồng tiền mã hóa ổn định phát hành bởi tổ chức Terra.
Dù khác nhau về kỹ thuật vận hành, cả Tether USD, UST và Digital Euro đều được đưa ra với sứ mệnh sử dụng làm tiền tệ (trung gian thanh toán, lưu trữ giá trị) với giá trị luôn có thể quy đổi ra một đồng tiền pháp định (được bảo đảm bởi nhà phát hành).
Vấn đề cần quan tâm ở đây là với mục đích đánh thuế, stablecoin thường được xem là tài sản, theo một báo cáo 2023 của Quỹ tiền tệ quốc tế (Waerzeggers, Aw, and Cheng 2023, 14). Cũng theo báo cáo này có quan điểm cho rằng các đồng stablecoin hoạt động với tính chất giống như ngoại tệ,(Waerzeggers, Aw, and Cheng 2023, 14) và đối với hoạt động mua bán chuyển nhượng stablecoin xu hướng gần đây được thừa nhận là chuyển nhượng tiền với mục đích xác định thuế VAT.(Waerzeggers, Aw, and Cheng 2023, 10)
Bài học thực tế đã cho thấy, sau khi Terra sụp đổ, UST đã bị mất ổn định (depeg), giá trị nhanh chóng về gần bằng 0,(Liu, Makarov, and Schoar 2023) và trên các sàn giao dịch tiền mã hóa, bên cạnh những nhà đầu tư đã mất trắng, những người đặt lệnh bán khống loại tiền mã hóa lại này đã có nguồn thu nhập khổng lồ. Mặt khác, từ năm 2021 đến nay, tỉ giá USD/VND đã tăng đáng kể, tạo thu nhập không nhỏ cho các nhà đầu tư nắm giữ nhiều đồng USDT giống như nắm giữ ngoại hối.
Đó chỉ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc giao dịch stablecoin vẫn có thể mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho người tham gia giao dịch, vậy liệu nó có phải đối tượng chịu thuế TNCN hay không?
Theo quan điểm của tác giả, việc xếp loại thu nhập từ giao dịch tiền mã hóa vào hoạt động đầu tư sẽ giải quyết được vấn đề này: mọi khoản đầu tư có lời sẽ phát sinh nghĩa vụ nộp thuế, bất kể hình thức loại tiền mã hóa được giao dịch. Dĩ nhiên nghĩa vụ xác định số tiền chịu thuế vẫn là của cả cơ quan thuế và người khai thuế.
Lời kết
Bài viết này chủ yếu xoay quanh việc bình luận bản dự thảo án lệ số 17 và đề cập đến tình hình phát triển của ngành khoa học pháp lý trong thời gian gần đây về việc đánh thuế với tiền điện tử. Với quan điểm là một nhà nghiên cứu lâu năm về pháp luật so sánh về tiền mã hóa, cũng như là một người ủng hộ việc hợp pháp hóa tài sản là tiền điện tử, tác giả cho rằng việc đánh thuế tài sản là tiền điện tử là một bước đi cần thiết và có ích cho cả nhà nước và người dân, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một trong những thị trường đi đầu trong việc giao dịch tiền mã hóa.
Trong phạm vi bài viết tương đối ngắn, tác giả không kỳ vọng sẽ đề cập được toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhưng hy vọng đã cung cấp được những thông tin quan trọng nhất cho người đọc và giới thiệu những nguồn tài liệu tham khảo có độ uy tín cao về vấn đề này.
Với mục đích đơn giản hóa bài viết và tránh tính kỹ thuật quá cao, tác giả thừa nhận sẽ có thể có những điểm chưa đúng về mặt kỹ thuật khi đưa ra giải thích về hoạt động của tiền mã hóa, đặc biệt khi có rất nhiều biến thể của loại tài sản này trên thị trường. Tuy nhiên những sai sót về mặt kỹ thuật này không làm sai lệch quan điểm pháp lý được đưa ra.
Tài liệu đã dẫn
Văn bản pháp luật
- Bộ luật dân sự 2005
- Luật thuế thu nhập cá nhân 2007
- Luật thuế giá trị gia tăng 2008
- Quyết định 1255/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo
- Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân
- Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
- Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP
Bài viết, nghiên cứu khác
- Anh Nhĩ (2023) “Việt Nam có hơn 16,6 triệu người sở hữu tiền mã hóa, đứng thứ hai ASEAN sau Thái Lan”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/viet-nam-co-hon-16-6-trieu-nguoi-so-huu-tien-ma-hoa-dung-thu-hai-asean-sau-thai-lan.htm truy cập ngày 19/9/2023.
- Baer, Katherine, Ruud de Mooji, Shafik Hebous, và Michael Keen (2023) Nghiên cứu số 2023/144 “Taxing Cryptocurrencies”, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
- Chainalysis (2023) “The 2023 Global Crypto Adoption Index” https://www.chainalysis.com/blog/2023-global-crypto-adoption-index/ truy cập ngày 19/9/2023.
- Ngân hàng trung tâm châu Âu ECB (2012) “Virtual Currency Schemes”
- Ngân hàng trung tâm châu Âu ECB (2022) “Digital Euro Experimentation Scope and Key Learnings”
- Jody, Godoy (2023) Ripple Labs Notches Landmark Win in SEC Case over XRP Cryptocurrency, Reuters, https://www.reuters.com/legal/us-judge-says-sec-lawsuit-vs-ripple-labs-can-proceed-trial-some-claims-2023-07-13/ truy cập ngày 19/9/2023.
- Lê, Thái (2021) “Nhận diện tiền mã hóa, pháp luật Việt Nam về tiền mã hóa” Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 08(432) tháng 4/2021.
- Liu, Jiageng, Igor Makarov, và Antoinette Schoar (2023) “Anatomy of a Run: The Terra Luna Crash” National Bureau of Economic Research https://doi.org/10.3386/w31160
- Nguyễn, Phước (2020) “Tiền ảo có thể được xem là tài sản.” Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 21(421) tháng 11/2020.
- Trần Biên, và Nguyễn Oanh (2020) “Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay” Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 04/2020.
- Waerzeggers, Christophe, Irving Aw, và Jess Cheng (2023) Nghiên cứu số 2023/002 “Taxing Stablecoins.” Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) truy cập tại https://www.imf.org/en/Publications/fintech-notes/Issues/2023/05/25/Taxing-Stablecoins-528041 ngày 19/9/2023.
[2] Gồm các dạng tiền được cung ứng bởi dịch vụ thanh toán trực tuyến như Paypal, WebMoney
[3] Dựa theo cách phân loại năm 2012 bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB 2012), tiền ảo có 3 cấp độ, theo đó Cấp độ 1 là tiền “hoàn toàn ảo” chỉ có thể được sinh ra và sử dụng trong các dịch vụ ảo và không thể quy đổi ra tiền thật (một cách chính thống), VD như các loại tiền phát sinh trong game mà không thể mua bằng tiền thật. Các loại tiền có thể mua bằng tiền thật được xếp vào cấp độ 2, và các loại tiền có thể mua và bán được ra thành tiền thật được xếp vào cấp độ 3.
[4] Để phân biệt với tiền mã hóa hoạt động trên cụm máy chủ công cộng như Bitcoin.
[5] Công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger) là cụm từ chung để chỉ các số cái hoạt động trên nguyên tắc phi tập trung, có thể được xây dựng dựa trên kỹ thuật mã hóa.
[7] Theo báo cáo của ChainAnalysis vào tháng 9/2023, Việt Nam đang đứng thứ 3 trong danh sách về Chỉ số tiếp nhận Crypto (Crypto Adoption Index) (“Chainalysis: The 2023 Global Crypto Adoption Index” n.d.)
[8] Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP
[9] Quyết định 1255/QĐ-TTg năm 2017
[10] Cơ quan thuế của Mỹ (IRS) từ năm 2014 đã có quy định đánh thuế với thu nhập từ tiền mã hóa, bất kể nó có được xem là tài sản hay không. Xem IRS Notice 2014-21
[11] Whitepaper là thuật ngữ thường dùng trong ngành tiền mã hóa, dùng để giới thiệu khái quát về một dự án tiền mã hóa.
[12] Có thể tạm hình dung token là một dạng đơn vị thanh toán riêng của dự án phát hành. Token có những đặc tính kỹ thuật rất khác biệt so với coin của một blockchain, do đó cần phải hiểu bản chất sự khác biệt giữa một token và coin để xác định đúng bản chất của quan hệ giao dịch mà pháp luật muốn điều chỉnh.
[14] Được thừa nhận trong văn bản giới thiệu về sứ mệnh của thí nghiệm của đồng Digital Euro, (ECB 2020). Điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa CBDC và các đồng tiền mã hóa khác nằm ở chỗ sổ cái phân tán của nó được kiểm soát bởi một đơn vị tập trung, thay vì được phân chia cho nhiều người nắm giữ.
Nhận xét
Đăng nhận xét