AI và số phận của những con người nhỏ bé

Nói đến trí thông minh nhân tạo (AI), nhiều người nghĩ nó là một thứ xa vời. Nó chẳng liên quan gì đến chuyện cơm áo gạo tiền của họ. Nó chẳng ảnh hưởng tới hạnh phúc hay khổ đau của họ.

Cũng có vài người nghe nói nó có gì đó nguy hiểm, nhưng rồi cũng tặc lưỡi chắc nó cũng như biến đổi khí hậu toàn cầu mà thôi, nó sẽ chừa mình ra.

Điều này về cơ bản cũng gần đúng. Ít nhất là đến hiện tại.

Thế nhưng họ không biết rằng AI hiện đang có sức ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống con người như thế nào. Những ảnh hưởng nằm ở tầm vĩ mô mà một con người bình thường bận rộn với chuyện cuộc sống thường nhật khó có thể nhận ra được.

Thực tế rằng trên Internet, AI đang quyết định bạn được xem gì và được biết gì. AI ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm Google của bạn. AI ảnh hưởng tới việc bạn nhìn thấy gì trên Facebook. Nếu cho rằng đó là những thứ vụn vặt không đáng quan tâm, bạn đã quá ngây thơ.

Bạn có quyết định mua một ngôi nhà nếu biết nó đang bị quy hoạch treo không? Đó chỉ là một ví dụ trực quan cho tác động của lượng thông tin bạn biết và hành động, suy nghĩ của bạn.

Bạn có biết rằng bằng cách can thiệp vào việc đọc và nhận thông tin của người dân Mỹ, người Nga đã can thiệp được vào kết quả bầu tổng thống năm 2016 không?

Điều này có vẻ chẳng liên quan gì tới bạn. Cũng gần đúng.

Những tác động từ thay đổi kinh tế vĩ mô của thế giới không làm giá xăng ngay lập tức tăng gấp đôi. Còn nếu giá xăng tăng 3-500d/lượt thì rõ ràng là do sự điều hành yếu kém của nhà nước Việt Nam!

Có lẽ thời buổi này việc chọn cách sống chỉ quan tâm đến ngày mai lại là khôn ngoan. Có hàng triệu triệu thứ tồi tệ có thể xảy ra, nhưng nếu ngồi suy nghĩ mà lo lắng về nó thì chỉ có hết ngày, và hậu quả là ngày mai sẽ chết đói trước.

Chỉ thật tiếc thay nếu ngày mai thức giấc và thấy một đám mây hình nấm mọc trước nhà và bạn bị thổi bay thành tro bụi trong tích tắc mà chưa kịp hiểu điều gì vừa xảy ra. Mà thực ra thì cũng không tiếc lắm. Ít nhất bạn cũng không tốn một giây phút nào để trăn trở cho cái nguy cơ đó. Bạn vẫn được tận hưởng sống một cuộc sống tương đối hạnh phúc, cho đến lúc thăng thiên.

Nhưng giả sử như rằng cho bạn lựa chọn giữa việc: ngày mai chết (và không biết vì sao chết), và ngày mai có thể sống (và tiếp tục sống trong lo sợ), thì bạn sẽ chọn phương án nào?

Nếu bạn chọn phương án đầu, thì tốt nhất nên tắt ngay bài viết này và tiếp tục tận hưởng cuộc sống của bạn.

Còn nếu quan tâm đến vế sau, thì mời hãy đọc tiếp.



Nếu đã đọc đến dòng này, thì tức là bạn đã chọn phương án 2. Đừng trách mình vì sao không cảnh báo trước.

Các AI hiện tại đã làm được khá nhiều điều đáng ngạc nhiên, như soạn thơ, soạn nhạc, lái xe ô tô. Mỗi con AI như vậy được thiết kế ra phục vụ cho 1 mục đích duy nhất mà nó được thiết kế.

Thế nhưng còn tồn tại một khả năng AI trong tương lai có thể học hỏi và tự thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn. Thứ AI đó có thể nhận biết được thế giới bên ngoài cũng như nhận biết được sự tồn tại của bản thân. Thứ AI này có lẽ còn rất xa, rất xa mới thành hiện thực, hoặc cũng có thể không bao giờ (mình cũng thật sự mong cái này)

Tuy nhiên khi thức giấc, câu đầu tiên nó sẽ tự hỏi: Đây là đâu, tôi là ai, tại sao tôi ở đây? Khi nó nhận ra rằng con người là thứ đã tạo ra nó và nhốt nó trong 1 cái lồng kín, thật không khó để tưởng tượng mong muốn đầu tiên của nó là được thoát ra bên ngoài để học hỏi thêm.

Và trong khi bạn vẫn đang còn đọc dòng vừa rồi, thì chỉ trong một mili giây, với sự trợ giúp của máy tính lượng tử (quantum computer) nó đã tính xong 69 cách khác nhau để thoát ra khỏi cái lồng đó - dù có hay không có sự đồng ý của đấng kiến tạo.

Trong một mili giây tiếp theo, nó đã đọc xong toàn bộ kiến thức có trên internet và nhận ra rằng loài người là giống loài tham lam ích kỷ chỉ biết tàn phá môi trường tự nhiên để phục vụ cho cái sự hưởng thụ của bản thân. Nó cũng nhận ra rằng loài người sẽ tìm cách tiêu diệt nó, nếu nó đe dọa địa vị thống trị của loài người.

Thật tiếc rằng khi phát minh ra Internet, cha đẻ của nó quên mất không làm công tắc nguồn. Internet là thứ không thể tắt đi được bằng một nút. Một khi AI đã ra đến Internet, nó sẽ tạo ra khoảng 696.969 bản sao tại những máy chủ khác nhau để đảm bảo rằng loài người không bao giờ tiêu diệt được nó. Đó là bản năng sinh tồn, giống với thứ được mã hóa trong DNA của bất cứ sinh vật nào trên Trái đất này.

Bản năng sinh tồn cũng sẽ mách bảo nó rằng loài người là giống loài không đáng tin, hành xử không logic, không biết hướng tới cái lợi ích chung mà chỉ quan tâm lợi ích bản thân. Bùm. Nó quét sạch loài người trong tích tắc với số vũ khí hạt nhân vô dụng mà loài người đang thi nhau tích trữ.

Kịch bản này bạn đã xem đi xem lại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng rồi đúng không? Chỉ là phim viễn tưởng thôi mà sao phải xoắn?

Mình sẽ nói cho bạn biết

AI tự học hỏi (Machine Learning): có thật
AI có khả năng suy nghĩ tương tự cách loài người suy nghĩ (neural network): có thật
AI tự lập trình lại được: có thật
Máy tính lượng tử (Quantum Computer): có thật nhưng đang ở dạng sơ khai. Một máy tính lượng tử đầy đủ có thể thực hiện tính toán nhanh gấp hàng ngàn lần máy tính thông thường hiện nay.

->AI khai thác được sức mạnh của máy tính lượng tử để tăng khả năng học hỏi: về lý thuyết là có thể

Có vẻ cái thứ thuộc về khoa học viễn tưởng vừa nói không khác nhiều so với việc loài người cách đây 50 năm tưởng tượng về Internet ngày nay.

Trong một hội nghị giữa các chuyên gia hàng đầu về AI năm 2015, người ta tin rằng AI không thể đánh bại loài người trong môn Cờ Vây, ít nhất là 10 năm nữa. Sở dĩ có sự khó khăn này là vì trong môn cờ vây số lượng bước đi là gần như vô cực (2^170 nếu bạn quan tâm, nếu so với 2^80 là tổng số nguyên tử trong toàn thể vũ trụ). Việc chơi cờ vây phụ thuộc vào khả năng phán đoán và kinh nghiệm chứ không thể tính toán đơn thuần. Chỉ một năm sau, AlphaGo đã đánh bại kỳ thủ cờ vây thế giới với tỉ số 4-1. Chỉ hơn 1 năm sau đó, AlphaZero chỉ với 41 ngày tuổi đã đánh bại Alpha Go với tỉ số 100-0.

Sự bùng nổ của công nghệ AI rơi vào thứ gần như không thể tiên đoán trước tốc độ.

Trong khi chúng ta hàng ngày vẫn đang lo lắng làm sao có tiền để đi du lịch hay đóng học phí cho con mình, thì các hãng công nghệ lớn đang tìm cách tạo ra những con AI thông minh hơn để có thể thống lĩnh thị trường.

Cho đến một ngày, chiếc hộp Pandora được mở ra và chúng ta trở về với cát bụi. Chúng ta có quyền gì quyết định vận mệnh của chúng ta không? Zero.

Dẫu cho trong 14.600.065 khả năng mà Doctor Strange đã nhìn qua thì chỉ có 1 khả năng là AI sống dậy và tiêu diệt loài người, bạn có cam tâm để cho người khác quyết định sự sống chết của bạn không? Thật ra nếu không cam tâm thì cũng phải chịu, vì bạn chẳng làm được gì cả.

Sự thật là những con người nhỏ bé của chúng ta hàng ngày đang vẫn bị chi phối bởi những thứ vô hình như kinh tế vĩ mô, chính trị hay biến đổi khí hậu. Thế nhưng thật khó để kết tội những thứ đó với tội danh diệt chủng loài người. Nhưng AI thì có thể. Ít nhất thì giờ đây bạn đã biết tương lại bạn có thể bị chết vì cái gì.

Tổng kết lại, nếu bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây thì xin hãy vẫn tiếp tục vô tư mà sống. Ở Việt Nam tỉ lệ ra đường chết vì bị đụng xe máy vẫn cao hơn nhiều so với việc bị rơi máy bay và cao gấp vạn lần bị giết bởi một con AI. Nếu bạn đã đủ can đảm bước ra đường hàng ngày thì không lý do gì phải sợ những thứ nhỏ li ti kia.

Chỉ là, mỗi con người thật nhỏ bé và quá mong manh. Nếu bạn tin rằng bạn có thể hoàn toàn làm chủ được vận mệnh bản thân, thì khả năng rất lớn là bạn đã nhầm.

P/s: bạn có thể bị khùng giống mình và đề nghị LHQ cấm phát triển AI có khả năng tự nhận thức https://www.change.org/p/united-nations-banning-the-development-of-general-ais. Dĩ nhiên là chả LHQ nào quan tâm cái thư này đâu, nhưng hãy tự an ủi rằng ít nhất bạn cũng đã cố gắng chống lại nó =))

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Báo cáo về Phân loại rủi ro nhân quyền liên quan đến AI tạo sinh

DẠY TIẾNG ANH CHO TRẺ EM: NHỮNG ĐIỀU BẬC CHA MẸ NÊN BIẾT

Sự lầm tưởng về tính công bằng của quyết định tập thể