Cái chết nhân đạo: sự thất bại của nhà làm luật?

Hôm nay ngồi đọc được một bản án khá nổi tiếng của New Zealand về việc phán quyết có cho phép cái chết nhân đạo được xảy ra không, và cảm thấy khá thú vị nên cảm thấy phải viết vài bình luận.

Vụ án tên Seales v Attorney General do thẩm phán Collins thuộc tòa Thượng thẩm (High Court ở New Zealand gần tương đương Tòa án cấp tỉnh ở Việt Nam) xử, phán quyết ngày 05/6/2015.

I.  Tóm tắt nội dung vụ án

Bà Seales (42 tuổi) bị mắc ung thư não và được chẩn đoán là chỉ còn sống được một thời gian ngắn. Bà mong muốn được hưởng cái chết nhân đạo vì trong quá trình điều trị (cho tới lúc nộp đơn) bà đã bị liệt nửa trái người, suy giảm thị lực, sinh hoạt thường ngày phải dựa vào người thân. Bà thường xuyên bị ngất và rất khó khăn trong việc nhai nuốt, cùng với nhiều triệu chứng phụ khác của việc dùng thuốc steroid nhằm làm giảm triệu chứng của việc tràn dịch não (do khối u não gây nên). Bà là một luật sư thành đạt và có một gia đình hạnh phúc trước khi mắc bệnh.

Vì đang phải chịu đựng đau khổ vì bệnh tật, bà đã thuyết phục được bác sỹ X đồng ý thực hiện thủ thuật cái chết nhân đạo cho bà. Tuy nhiên luật hình sự New Zealand cấm thực hiện thủ thuật này (xem Điều 162(2)(a) và 179(b)). Bà đệ đơn lên tòa xin được cấp tuyên bố đặc xá cho bác sỹ X được phép thực hiện thủ thuật mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời bà yêu cầu Tòa tuyên bố 2 điều luật nêu trên của BLHS là vi phạm Điều 8 và 9 Đạo luật nhân quyền NZ (New Zealand Bill of Rights Act 1990) vì vi phạm “Quyền được sống” trong đó có “quyền không bị đối xử tàn nhẫn, hạ phẩm giá hoặc các biện pháp điều trị nghiêm khắc bất hợp lý”

Trong bản án dài 55 trang, thẩm phán Collins đã xem xét 3 vấn đề lớn:
1. Hoàn cảnh cá nhân của bà Seales
2. Quy định của BLHS New Zealand về việc trợ giúp cái chết nhân đạo
3. Quyền con người của bà Seales có bị xâm phạm không

Sau khi xem xét, thẩm phán đã quyết định tuyên bố không chấp nhận cả 2 yêu cầu của bà Seales.
Một số nhận định được đưa ra:

1. Cảm giác đau đớn của bà Seales là chủ quan (theo nhận định của nhiều chuyên gia) nên góc nhìn của bà là có thể tin cậy (đoạn 46).
2. Cần phải thừa nhận niềm tin của bà Seales về tình trạng minh mẫn của mình (đoạn 81), do đó phải xem xét (các) yêu cầu của bà.
3. Bà Seales hoàn toàn tự nguyện làm yêu cầu (Đoạn 30)
(Tuy nhiên)
4. Luật hình sự NZ đã quy định rất rõ về việc cấm trợ giúp tự tử, điều này tương thích với thông lệ của các nước common law, vì vậy nếu bác sỹ X thực hiện thủ thuật thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (Đoạn 147)
5. Quy định của BLHS cấm cái chết trợ giúp không vi phạm “Quyền được sống” vì:
- Tình trạng của bà Seales không bị gây nên bởi “các biện pháp điều trị” mà bị gây bởi khối u của bà (Đoạn 205)
- Các biện pháp điều trị mà bà đang dùng là nhằm mục đích giảm nhẹ nhất có thể các triệu chứng của khối u (Đoạn 206)
- Nghĩa vụ của nhà nước theo NZBORA 1990 là đảm bảo con người không bị đối xử tàn nhẫn (…). Nghĩa vụ này không phát sinh khi luật hình sự quy định cấm trợ giúp tự tử. (Đoạn 207)

Các thông tin khác về vụ án có thể được xem đầy đủ tại blog của Matt, chồng bà Seales: http://lecretia.org/you-can-help/seales-v-attorney-general/

II. Bình luận

Để bảo vệ cho yêu cầu của mình, nguyên đơn đã thu thập rất nhiều chứng cứ từ các chuyên gia để bác bỏ các lập luận về rủi ro trong việc hợp pháp hóa hỗ trợ cái chết bao gồm:

- Rủi ro về chẩn đoán/tiên lượng
- Rủi ro về việc cưỡng ép
- Khó khăn trong việc xác định mức độ trầm cảm
- Khó khăn trong việc xác định lựa chọn cuối cùng
- Khó khăn trong việc xác định năng lực hành vi (tâm lý) của người bệnh
- Tác động xấu đến ngành chăm sóc sức khỏe người ốm nặng
- Ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp y tế
- Rào cản đạo đức
- Rủi ro tăng tỷ lệ tự sát trong cộng đồng
- Tác động xấu đến dư luận xã hội

Có vẻ Thẩm phán Collins đã có những nhận định khá có lợi cho bà Seales như công nhận tình trạng sức khỏe, minh mẫn của bà. Ông thừa nhận tình trạng khốn khổ của bà Seales (Đoạn 192). Tuy nhiên thẩm phán vẫn quyết định không ra tuyên bố miễn trừ trách nhiệm cho bác sỹ X. Tại sao?

Tại các nước theo thông luật, thẩm phán là người giải thích luật, nếu điều luật chưa rõ ràng. Tuy nhiên trong trường hợp này, các tội danh được quy định tại Điều 162(2)(a) và 179(b) BLHS lại quy định rất rõ ràng cụ thể:

160 Culpable homicide
(1)
Homicide may be either culpable or not culpable.
(2)
Homicide is culpable when it consists in the killing of any person—
(a)
by an unlawful act; or

160 Tội phạm giết người
(1)
Hành vi giết người có thể có hoặc không có tội
(2)
Hành vi giết người là có tội khi nó bao hàm việc giết bất kỳ một người nào
(a)
Bằng một hành động trái pháp luật; hoặc
179 Aiding and abetting suicide
Every one is liable to imprisonment for a term not exceeding 14 years who—
(b)
aids or abets any person in the commission of suicide.
179 Hỗ trợ và tiếp tay cho tự sát

Một người sẽ phải chịu hình phạt tù tối đa 15 năm nếu
(b)
Hỗ trợ hoặc tiếp tay cho bất kỳ người nào trong việc tự sát.

Trong một bản án dài 55 trang, thẩm phán đã cân nhắc rất kỹ lưỡng việc xem xét hành vi hỗ trợ một người tự tử có trái pháp luật hay không, kể cả vận dụng án lệ về việc miễn trách nhiệm cho bác sỹ trong trường hợp dùng thuốc giảm đau (với mục đích để giảm đau) nhưng dẫn đến hậu quả quá liều (có thể lường trước được) làm nạn nhân chết; tuy nhiên vẫn không thể nào giải thích hành vi trực tiếp tiêm thuốc độc để bệnh nhân chết là tuân theo pháp luật (theo đó hành vi giết người sẽ không có tội).

Như vậy, khi nhà lập pháp đã trói tay người giải thích pháp luật, thì thẩm phán không thể nào làm khác được.

Vậy tại sao nhà làm luật lại quy định như trên?

Đã có rất nhiều tranh luận về vấn đề nên hay không nên hợp pháp hóa các thủ thuật hỗ trợ cái chết (Aids in Death – AID). Phần lớn các tranh luận đều xoay quanh việc lo sợ các rủi ro như đã nêu ở phần đầu của bình luận.

Trong trường hợp của bà Seales, mặc dù các chứng cứ dường như khá thuyết phục rằng bà thuộc trường hợp ngoại lệ, việc cho bà được hưởng cái chết nhân đạo sẽ không gây ra rủi ro cho xã hội, và dường như thẩm phán Collins cũng tin vào tình trạng của bà Seales là khác biệt, tuy nhiên luật lại không cho phép tồn tại trường hợp ngoại lệ nên ông không thể ra phán quyết đặc xá.

Ông đã viện dẫn nhận định của bản án Stransham-Ford v Minister of Justice của Tòa Thượng thẩm Nam Phi: Nếu không có nhân phẩm, thì sự sống sẽ bị hạ thấp. Nếu không có sự sống, nhân phẩm sẽ biến mất. Vì vậy sự sống được đặt lên cao hơn nhân phẩm, và vì lẽ đó việc tôn trọng phẩm giá của một người không thể xâm hại tính mạng con người.

Mục đích của bà Seales khi đưa đơn ra tòa án muốn được hưởng cái chết nhân đạo là để tránh phải chịu đau khổ thêm khi cái chết không thể tránh khỏi đã tới gần; với tư cách là một người thành đạt, bà không muốn phải ra đi trong khổ đau và mất phẩm giá (mất hết nhận thức, mất lý trí).

Một lý luận cơ bản của quyền tự do con người là quyền tự do của một người sẽ bị giới hạn nếu nó ảnh hưởng đến quyền tự do của những người khác. Quyền tự do định đoạt mạng sống của bản thân bị giới hạn vì nó gây ra nhiều tác động xấu đến xã hội (VD tâm lý gia đình nạn nhân, thiệt hại xã hội)

Tuy nhiên nếu cho rằng vì các nguy cơ có thể xảy ra cho xã hội khi hợp pháp hóa cái chết nhân đạo nên cần phải duy trì sự cấm đoán, tôi cho rằng đã có một sự sai lầm về logic trong tư duy của người làm luật.

Nếu việc sử dụng thuốc độc trong thi hành hình phạt tử hình được xem là giết người một cách hợp pháp, thì tại sao sử dụng thuốc độc để làm giảm bớt nỗi đau cho người bệnh lại bị xem là bất hợp pháp? Bản chất của hành vi đều là giết người, thì cơ sở nào để lý giải cho sự phân biệt đối xử giữa hai hành vi

Vì nhu cầu được hưởng cái chết nhân đạo là một nhu cầu có thật và rất nhân đạo, nó cần được phải xem xét chấp nhận theo cơ chế xem xét từng trường hợp, giống như việc áp dụng và thi hành án tử hình đối các bị cáo. Nếu lo sợ các nguy cơ có thể xảy ra thì thay vì cấm hẳn, nhà làm luật cần phải đặt ra các thiết chế để đảm bảo nguy cơ đó bị giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Với tư duy quyền được sống là quyền cao nhất của con người như thẩm phán Collins đã viện dẫn, liệu rằng việc ép buộc một người phải sống trong sự đau khổ khi cái chết là không tránh khỏi có phải là đối xử nhân đạo với họ? Tôi cho rằng cách lập luận về nhân phẩm con người như vậy là chưa thấu đáo, bởi nhân phẩm con người tồn tại kể cả sau khi người đó đã qua đời. Bằng chứng rất rõ phẩm giá của con người vẫn được nhắc đến bởi những người còn sống. Con người không chỉ là một chủ thể tồn tại dưới dạng một sinh vật sống trong một thời điểm, mà còn là một hình ảnh được lưu giữ bởi lịch sử. 10 năm sau cái chét của Michael Jackson, ông hoàng nhạc Pop, phẩm giá của ông vẫn tiếp tục bị thay đổi khi truyền thông đào lên nhưng dấu vết đời tư lúc ông còn sống.

Bản thân bà Seales là một luật sư, bà hiểu rất rõ quy định của luật New Zealand. Bà hiểu rằng yêu cầu của bà là hầu như không khả thi. Tuy vậy đến cuối đời bà vẫn cố gắng đấu tranh để tạo tiền lệ cho những người rơi vào hoàn cảnh giống bà. Với bản án của thẩm phán Collins, có lẽ sẽ có một lúc nào đó các nhà làm luật sẽ cân nhắc sửa đổi điều luật này cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Vụ án này tôi dịch ra và đăng công khai cũng nhằm mục đích để những người nghiên cứu luật ở Việt Nam không có điều kiện tham khảo án lệ nước ngoài sử dụng trong các nghiên cứu của mình, hy vọng một ngày nào đó sẽ chứng kiến được sự thay đổi trong quy định của luật Việt Nam về vấn đề cái chết nhân đạo.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Báo cáo về Phân loại rủi ro nhân quyền liên quan đến AI tạo sinh

DẠY TIẾNG ANH CHO TRẺ EM: NHỮNG ĐIỀU BẬC CHA MẸ NÊN BIẾT

Sự lầm tưởng về tính công bằng của quyết định tập thể