Tư cách chủ thể của Vatican trong Luật quốc tế - Lý luận và thực tiễn

Mục lục

Lời nói đầu
Chương 1: Tư cách chủ thể trong Luật quốc tế
1. Tư cách chủ thể trong luật quốc tế
2. Quốc gia và chủ quyền quốc gia
3. Tổ chức quốc tế liên chính phủ và dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết
4. Công nhận quốc tế
Chương 2: Khái quát về Vatican
1. Địa danh Vatican
2. Thành quốc Vatican
3. Tòa thánh Vatican
Chương 3: Tư cách chủ thể của Vatican
1. Tư cách chủ thể của Thành quốc Vatican
2. Tư cách chủ thể của Tòa thánh
Kết luận
Tài liệu tham khảo

Lời nói đầu


Tại Việt Nam, khi dùng từ Vatican, ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa như một địa điểm liên quan đến tôn giáo, một tổ chức tôn giáo hoặc một quốc gia.

Nhắc đến quốc gia Vatican, người ta thường nghĩ tới một quốc gia vô cùng nhỏ bé. Thật vậy, chỉ với diện tích 44 hecta, tại sao Vatican lại có thể đáp ứng được các điều kiện để trở thành một quốc gia? Như ta đã biết, tham gia quan hệ luật quốc tế không chỉ có quốc gia mà còn các chủ thể khác như các dân tộc đang đấu tranh giành quyền độc lập, các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Liệu Vatican có khả năng tham gia các quan hệ quốc tế một cách độc lập hay không?

Nhắc đến tòa thánh Vatican, người ta thường nghĩ tới một tổ chức tôn giáo, chứ không phải là một thực thể có mối quan hệ rộng rãi với cộng đồng quốc tế. Vậy bản chất của Tòa thánh Vatican là gì? Mối quan hệ giữa Tòa thánh Vatican và quốc gia Vatican?

Đó là các vấn đề sẽ được nghiên cứu trong bài nghiên cứu này.

Tiểu luận này gồm 3 chương:
- Chương 1 nhắc lại các khái niệm cơ bản về tư cách chủ thể trong Luật quốc tế.
- Chương 2 tìm hiểu về thuật ngữ Vatican.
- Chương 3 nghiên cứu về mối quan hệ của Vatican trong cộng đồng quốc tế.

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong tiểu luận chủ yếu là tổng hợp, kết hợp với so sánh các tài liệu của các tác giả có uy tín bằng phương pháp biện chứng duy vật – lịch sử.

Với tính chất một tiểu luận, bài viết này sẽ tập trung vào phần làm sáng tỏ nội hàm thuật ngữ Vatican cũng như vị trí của thực thể này trong mối quan hệ quốc tế.

Đây là một đề tài mang nhiều tính lý luận và đối tượng nghiên cứu là chủ thể nước ngoài, mặt khác do sự hạn chế về nguồn tài liệu trong nước nên bài viết được tham khảo nhiều từ các tài liệu và trang web nước ngoài, vì vậy không tránh khỏi sai sót trong việc dịch thuật cũng như kiểm chứng độ chính xác.

Chương 1: Tư cách chủ thể trong Luật quốc tế

Tư cách chủ thể nói riêng, tư cách chủ thể trong Luật quốc tế nói chung là những khái niệm cơ bản đã được làm rõ trong những cuốn giáo trình kinh điển. Do vậy chương này chỉ nhắc lại những nội dung cơ bản để làm rõ đối tượng nghiên cứu của tiểu luận. Việc đi sâu vào phân tích những khái niệm này khi áp dụng với chủ thể là Vatican sẽ được trình bày tại Chương 3.

1. Tư cách chủ thể trong luật quốc tế

Trong một quan hệ pháp luật luôn có 3 bộ phận cơ bản: chủ thể, khách thể và nội dung quan hệ. Quan hệ pháp luật do luật quốc tế điều chỉnh cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có 3 tư cách chủ thể được thừa nhận rộng rãi trong luật quốc tế hiện đại:
- Quốc gia
- Dân tộc đang đấu tranh giành quyền dân tộc tự quyết
- Tổ chức quốc tế liên chính phủ (liên quốc gia)

Để được nhân danh một trong các tư cách này, chủ thể bắt buộc phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định của tư cách đó. Mặt khác chủ thể cũng chỉ có khả năng thực hiện những quyền và nghĩa vụ ứng với tư cách mà mình chọn.

2. Quốc gia và chủ quyền quốc gia

Như trên đã viết, quốc gia là một trong số những tư cách mà một thực thể khi tham gia quan hệ luật quốc tế sẽ sử dụng. Đây đồng thời cũng là tư cách được sử dụng phổ biến và truyền thống nhất.

Để có được tư cách này, theo Điều 1 Công ước Montevideo năm 1933 thì thực thể phải thỏa mãn được 4 điều kiện sau:
- Có dân cư thường xuyên: là những người sinh sống trên lãnh thổ đó trong một thời gian dài. Hiểu theo nghĩa rộng thì dân cư bao gồm cả những người có và không có quốc tịnh của quốc gia nơi họ sinh sống.
- Có lãnh thổ xác định: được thể hiện bằng việc có đường biên giới để phân định lãnh thổ với các quốc gia xung quanh.
- Có chính phủ: là một cơ quan được thành lập để điều hành những công việc của quốc gia
- Có năng lực tham gia quan hệ với các quốc gia khác. Hiểu theo nghĩa rộng thì đây là khả năng tham gia quan hệ với các chủ thể khác của luật quốc tế, vì thực chất công ước Montevideo chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia mà thiếu đi các chủ thể khác được thừa nhận trong luật quốc tế hiện đại.

Chủ quyền quốc gia là một thuộc tính pháp lý – chính trị gắn liền với mỗi quốc gia. Chủ quyền – sovereignity có xuất phát từ tiếng Latin là superanus, với nghĩa gốc là sức mạnh tối cao. Nội dung của quyền này là sự sở hữu tối cao và độc lập đối với một vùng lãnh thổ. Theo đó, trong phạm vi lãnh thổ của mình thì quốc gia có đầy đủ 3 quyền chính trị : lập pháp, hành pháp, tư pháp; có quyền quyết định mọi vấn đề kinh tế, xã hội khác của quốc gia. Mặt khác chủ quyền quốc gia còn thể hiện bằng quyền tự quyết định chính sách đối ngoại khi tham gia quan hệ quốc tế.

Bình đẳng về chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể như sau[1]
a) Tất cả các quốc gia bình dẳng về mặt pháp lý
b) Mỗi quốc gia được hưởng các quyền xuất phát từ chủ quyền hoàn toàn
c) Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng tư cách của các quốc gia khác
d) Sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia là bất khả xâm phạm
e) Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của mình
f) Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ một cách đầy đủ và có thiện chí các nghĩa vụ quốc tế của mình và chung sống trong hòa bình với các quốc gia khác.

3. Tổ chức quốc tế liên chính phủ và dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết

Tổ chức quốc tế liên chính phủ là 1 thực thể liên kết chủ yếu bởi các quốc gia có chủ quyền được thành lập trên cơ sở 1 điều ước quốc tế do chính các quốc gia thành viên thỏa thuận thành lập nên. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế nhằm đạt được những mục đích đã đặt ra.[2]

Các điều kiện để xem 1 dân tộc là dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết: [3]
- Dân tộc đó đang bị một quốc gia hoặc dân tộc khác đô hộ.
- Đang tồn tại trên thực tế 1 cuộc đấu tranh (giữa bên bị áp bức và bên đô hộ) với mục đích giành được độc lập.
- Cuộc đấu tranh đó phải thành lập được 1 cơ quan lãnh đạo phong trào đại diện cho dân tộc đó trong mối quan hệ với các chủ thể khác của Luật quốc tế.

4. Công nhận quốc tế

Khái niệm về công nhận quốc tế[4]
Công nhận quốc tế có thể được quan niệm là hành vi chính trị - pháp lý của quốc gia công nhận dựa trên nền tảng các động cơ nhất định (mà chủ yếu là động cơ chính trị, kinh tế, quốc phòng) nhằm xác nhận sự tồn tại của thành viên mới trong cộng đồng quốc tế, khẳng định quan hệ của quốc gia công nhận đối với chính sách, chế độ chính trị, kinh tế…của thành viên mới và thể hiện ý định muốn được thiết lập các quan hệ bình thường, ổn định với thành viên mới của cộng đồng quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống quốc tế.

Như vậy, hành vi công nhận không góp phần xác lập tư cách chủ thể luật quốc tế của một chủ thể khác. Nói cách khác, tư cách chủ thể luật quốc tế nói chung, tư cách quốc gia nói riêng được hình thành không dựa vào sự công nhận của các chủ thể khác trong cộng đồng quốc tế.

Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu trên thực tế, nếu một chủ thể đáp ứng được các điều kiện để trở thành chủ thể luật quốc tế, nhưng mặt khác lại không được quốc gia nào công nhận, hoặc chỉ có một số ít quốc gia công nhận, thì liệu chủ thể đó có khả năng thực tế thực hiện hành vi quan hệ quốc tế hay không. Nếu không thể thực hiện hành vi quan hệ quốc tế thì tư cách chủ thể đạt được cũng không có ý nghĩa thực tiễn.

Chương 2: Khái quát về Vatican

Vatican có thể được hiểu theo 3 nghĩa sau:
- Địa danh Vatican
- Tòa thánh Vatican
- Thành quốc Vatican
Chương này sẽ đi sâu vào trình bày các yếu tố cấu thành Thành quốc Vatican và Tòa thánh Vatican, làm tiền đề để phân biệt 2 thực thể này và mối quan hệ của nó trong cộng đồng quốc tế trong chương 3.

1. Địa danh Vatican

Thành phố Vatican là một khu vực địa lý nằm phía trong lòng thành phố Rome, Italia.

Hiện nay, với diện tích hơn 44 hecta, nó được phân định với thành phố Rome bởi một bức tường cổ xây dựng từ thế kỉ thứ 9 sau Công Nguyên dưới sự chỉ đạo của Giáo hoàng Leo IV, và sau này được bổ sung thêm bởi các Giáo hoàng Paul III, Pius IV (thế kỉ 16) và Urban VIII (thế kỉ 17).

Cái tên Vatican xuất phát từ tên Latin của địa danh này là Mons Vaticanus, nghĩa là Đồi Vatican, và tên này đã có trước cả khi Thiên chúa giáo xuất hiện.

Năm 1929 Hiệp ước Lateran được ký kết giữa Tòa thánh Vatican với Vương quốc Ý đã công nhận chủ quyền của Tòa thánh đối với vùng đất này, qua đó hình thành nên Thành quốc Vatican.

2. Thành quốc Vatican

2.1. Sơ lược về Thành quốc Vatican
Thành quốc Vatican, tên chính thức bằng tiếng Italia là Stato della Città del Vatican, là một quốc gia nằm trong lãnh thổ của Italia.

Với diện tích nhỏ bé và dân số chỉ hơn 800, đây là quốc gia nhỏ nhất thế giới. Đồng thời đây cũng là 1 trong 3 quốc gia có lãnh thổ nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của một quốc gia khác.

2.2. Lịch sử hình thành
Tên gọi quốc gia này xuất phát từ việc quốc gia này được hình thành từ một thành bang (state) duy nhất, là thành phố Vatican đã nêu trên.

Trước khi trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1929, Vatican là một thành bang của đế quốc La Mã (từ khoảng thế kỉ thứ nhất trước CN đến giữa thế kỉ 19 sau CN), và có một thời gian thuộc sự cai quản của Vương quốc Italia (1870-1929)

2.3. Thể chế chính trị
Đây là một quốc gia với một thể chế chính trị vô cùng đặc biệt, quân chủ chuyên chế - bầu cử, với người đứng đầu không phải là nhà vua mà là Giáo hoàng. Ngôi Giáo hoàng không được truyền lại mà được lập nên dựa trên sự bầu cử. Giống với chế độ quân chủ chuyên chế bình thường, Giáo hoàng là người nắm cả 3 quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp trên thành quốc Vatican.

Hệ thống chính trị của thành quốc Vatican cũng rất đặc biệt:
- Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia
- Ủy ban Giáo hoàng Thành quốc Vatican[5] là cơ quan lập pháp, gồm 7 Hồng y giáo chủ do Giáo hoàng bổ nhiệm, làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm
- Thủ tướng của Ủy ban trên là người nắm quyền hành pháp, được trợ giúp bởi Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký, cũng do Giáo hoàng bổ nhiệm và làm việc theo nhiệm kỳ 5 năm.
- Cơ quan tư pháp bao gồm Tòa sơ thẩm, Tòa phúc thẩm, Tòa phá án. Vatican không có quân đội, cảnh sát, nhà tù riêng mà phải thuê của nước khác.

Vì là người nắm giữ cả 3 quyền lực chính trị nên Giáo hoàng có thể can thiệp vào bất kì hoạt động nào của các cơ quan trên.

2.4. Hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật của thành quốc Vatican khá phức tạp do các quy định liên quan nhiều đến tôn giáo.

Luật cơ bản của thành quốc Vatican[6] là đạo luật gốc và tối cao của quốc gia, có thể xem là Hiến pháp, được soạn thảo bởi Giáo hoàng John Paul II vào 26/11/2000. Cùng với Luật cơ bản này còn có 5 bộ luật khác tạo nên hệ thống 6 luật hiến pháp của Thành quốc Vatican: Luật Nguồn của các Luật, Luật Cơ quan quản lý, Luật kinh tế, thương mại và các tổ chức chuyên nghiệp, Luật An toàn công cộng, Luật Quyền của công dân và người tạm trú[7]. Các quy định về Dân sự, Hình sự và thủ tục tố tụng, các ngành luật khác cũng được áp dụng theo quy định của Luật Italia nếu không có sự mâu thuẫn với luật Vatican, hiệp ước Lateran hay luật thánh.

Trong Luật Nguồn của các luật có chứa đựng Bộ luật Canon (The Code of Canon Law – tiếng Latin: Codex Iuris Canonici). Đó là một sự luật hóa các quy định của tôn giáo, mà trong đó chủ yếu quy định về hôn nhân, tài sản của giáo hội, di sản và thừa kế. Đây là một sự thể hiện rõ ràng của việc tôn giáo ảnh hưởng tới pháp luật.

2.5. Một số bộ phận khác
2.5.1. Nền kinh tế
Ngân sách của Thành quốc Vatican được thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch như bán đồ lưu niệm, vé cho du khách, các ấn phẩm tạp chí. Ngoài ra cũng có một số ngành công nghiệp nhỏ như in ấn, sản xuất đồ khảm, may mặc…

Tuy có phát hành đồng tiền riêng nhưng tại đây vẫn sử dụng đồng Euro của cộng động EU.

Do có diện tích quá nhỏ và dân số ít nên Thành quốc Vatican không thể phát triển một nền kinh tế bình thường mà vẫn phụ thuộc nhiều vào Tòa thánh Vatican và Italia.

2.5.2. Dân cư
Hơn 800 dân cư sống tại Vatican, nhưng không phải ai cũng có quốc tịch của quốc gia này. Có 572 người có quốc tịch Vatican, trong đó chỉ có 220 người sống tại thành phố Vatican[8]. Ngoài ra còn có khoảng 3000 người làm việc tại Vatican nhưng sinh sống ở Rome, Italia.

Trước tháng 3/2011, quốc tịch Vatican được cấp cho những người được bổ nhiệm một chức vụ nhất định trong Tòa thánh và gia đình của người đó.

Sau ngày 1/3/2011, Giáo hoàng Benedict XVI đã ban hành luật mới về quốc tịch, theo đó có 4 loại quốc tịch: Giáo hoàng, Hồng y giáo chủ, các thành viên tích cực của Tòa thánh và người đứng đầu các văn phòng Vatican.

2.6. Quan hệ ngoại giao
Tuy được xem là một vùng lãnh thổ có chủ quyền, nhưng quan hệ ngoại giao của Thành quốc Vatican lại được thiết lập với danh nghĩa của Tòa thánh Vatican.
Mặt khác do diện tích nhỏ nên tại Vatican cũng không có trụ sở cơ quan ngoại giao của các quốc gia khác.

Thành quốc Vatican là thành viên của 8 tổ chức quốc tế, trong đó có Interpol, CEPT, UPU… Ngoài ra Vatican còn tham gia vào Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) và Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)

3. Tòa thánh Vatican

3.1. Khái niệm
Thuật ngữ Tòa thánh (tiếng Latin: Sancta Sedes, tiếng Anh: Holy See) dùng để chỉ giáo phận Rome của Giáo hội Công giáo[9] (sau đây gọi tắt Giáo hội)

Tại Việt Nam, thuật ngữ Tòa thánh đôi khi được hiểu là một công trình kiến trúc xây dựng bởi một tổ chức tôn giáo như Công giáo, Đạo Cao Đài. Cũng có khi nó lại được hiểu như bản thân là một tổ chức tôn giáo. Theo tác giả, các cách hiểu trên đều chưa đúng, chưa thể hiện được rõ bản chất của thuật ngữ này. Xét trên góc độ lịch sử và xã hội, Công giáo nói riêng, và Kito giáo nói chung không phải tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, do đó có sự không rõ ràng về thông tin và không thống nhất khi sử dụng các thuật ngữ.

Tuy nhiên vì đây không phải là vấn đề nghiên cứu của tiểu luận, do đó trong bài viết này, thuật ngữ Tòa thánh sẽ được hiểu theo nghĩa được sử dụng phổ biến nhất, là Tòa thánh Vatican.

Trên quan điểm pháp lý, thuật ngữ giáo phận được hiểu là một khu vực địa lý dưới “quyền tài phán” của một tổ chức tôn giáo. Đối với Tòa thánh, quyền tài phán này được thể hiện ở việc Giáo hội mà người đứng đầu là Giáo hoàng dùng quyền cai trị (giáo quyền) của mình đối với công dân (giáo dân) nằm trong lãnh thổ Rome. Tuy nhiên quyền tài phán này không gắn liền với một Giáo hoàng cụ thể, Giáo hoàng chỉ là người thực tế đứng đầu Giáo hội và sử dụng quyền này.

Thuật ngữ Tòa thánh đôi khi được dùng để chỉ Thành quốc Vatican, nhưng trên thực tế đây là 2 thực thể khác nhau.

3.2. Cơ cấu tổ chức
Giáo hoàng quản lý Giáo hội thông qua Giáo triều, là một hệ thống cơ quan quản lý của Giáo hội.

Giáo triều (Roman Curia) bao gồm Phủ Quốc Vụ Khanh, 9 Thánh bộ, 3 Tòa án, 11 hội đồng và 3 văn phòng.
Phủ Quốc Vụ Khanh (Secretariat of State) là cơ quan lâu đời nhất của Giáo triều, có nhiệm vụ hỗ trợ giáo hoàng thực hiện các chức năng chính trị, ngoại giao của Vatican và các sinh hoạt liên hệ tới Giáo hội Công giáo toàn cầu. Đứng đầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là chức vị Hồng y Quốc Vụ Khanh (Cardinal Secretariat of State). Phủ Quốc Vụ Khanh có 2 bộ:
- Bộ Thường vụ: đảm trách điều phối các công việc hàng ngày của Tòa Thánh, liên kết các hoạt động của giáo triều, chuẩn bị các văn kiện của giáo hoàng, điều hành các cơ quan truyền thông báo chí của Tòa Thánh và Văn phòng Thống kê Trung ương.
- Bộ Ngoại giao: lo về các quan hệ với các chính quyền dân sự.

Các Thánh bộ (Congregations) và các Hội đồng giáo hoàng (Pontifical Councils) hoạt động tương tự như các Bộ trong chính phủ của Việt Nam. Đứng đầu mỗi Thánh bộ thường là một Hồng y giáo chủ. Đứng đầu Hội đồng giáo hoàng có thể là Hồng y giáo chủ hoặc Tổng giám mục. Tên gọi 1 số Thánh bộ và Hội đồng giáo hoàng:
- Thánh Bộ Giáo lý Đức tin (Congregation for the Doctrine of the Faith)
- Thánh Bộ Phong Thánh (Congregation for the Causes of Saints)
- Thánh Bộ Giám mục (Congregation for Bishops)
- Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân
- Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu
- Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình

Hệ thống tòa án: gồm có 3 tòa án
- Tòa Ân giải Tối cao (Apostolic Penitentiary): được mệnh danh là "tòa án của lòng thương xót",  Tòa ra phán quyết về những vấn đề lương tâm, tha thứ của tội lỗi, án phạt; tháo gỡ lời khấn tu và ban các ân xá.
- Tối cao Pháp viện (Apostolic Signature): đây là tòa án tối cao của Giáo Hội để giải quyết những vụ việc liên quan đến thủ tục tố tụng dân sự, kiểm tra việc tuân thủ luật lệ và quyền lợi ở mức độ cao nhất. Đây cũng là tòa án tối cao của quốc gia Vatican.
-  Tòa Thượng thẩm (Roman Rota): đây là tòa phúc thẩm cho mọi vụ việc kháng án lên Tòa Thánh. Toà có quyền quyết định các vụ việc liên can đến giá trị pháp lý hôn nhân Công giáo.

Các văn phòng có nhiệm vụ quản lý về tài chính của Tòa thánh, cụ thể:
- Văn phòng Quản lý Tông tòa (The Apostolic Camera): chịu trách nhiệm quản lý tài sản và quyền lợi của Toà Thánh, từ lúc vị giáo hoàng qua đời cho đến khi có vị giáo hoàng mới kế vị, theo một số luật đặc biệt của Giáo hội.
-  Văn phòng Quản trị Tài sản Tông Tòa (The Administration of the Patrimony of the Apostolic See): có thẩm quyền trông nom các tài sản trực thuộc Tòa Thánh, các thu nhập nhằm  giúp cho các khoản chi phí cần thiết trong việc thực thi các chức năng của Giáo Triều Rôma. Bộ Phận Đặc Biệt, có nhiệm vụ xử lý các nghĩa vụ được trao phó bởi vị Giáo Hoàng.
- Văn phòng Kinh tế Tòa Thánh (The Prefecture for the Economic Affairs of the Holy See): có chức năng giám sát và quản lý việc điều hành các tài sản trực thuộc Tòa Thánh. Mọi hoạt động này được chỉ thị bởi một Hội Đồng gồm có ba vị Hồng Y, để điều phối và trông nom việc điều hành các tài sản trực thuộc Tòa Thánh. Văn Phòng nhận các bản báo cáo về việc nhận hay phân phát các tài sản của Giáo Hội và các loại ngân sách khác nhau..
Thực hiện chức năng bảo vệ có Đội cận vệ Thụy Sĩ. Ngoài ra phục vụ cho các cơ quan trên còn có khá nhiều các phòng phụ trợ, Viện, Hàn lâm viện khác.

3.3. Quan hệ ngoại giao
Vì là một thực thể tách biệt khỏi quốc gia nơi Tòa thánh có trụ sở là Thành quốc Vatican, Tòa thánh cũng tự mình thiết lập quan hệ ngoại giao với các chủ thể khác trong cộng đồng quốc tế, và trên thực tế mối quan hệ này còn rộng hơn nhiều lần so với quan hệ quốc tế của Thành quốc Vatican.

Hoạt động ngoại giao của Vatican do Phủ Quốc Vụ Khanh thực hiện.

Chương 3: Tư cách chủ thể của Vatican


Như đã phân tích ở chương 2, có thể thấy có 2 chủ thể liên quan mật thiết với Vatican tồn tại độc lập. Chương này sẽ phân tích về tư cách của 2 chủ thể trên, và mối quan hệ giữa 2 chủ thể này.

1. Tư cách chủ thể của Thành quốc Vatican

Như đã thừa nhận tại chương 2, Vatican là một quốc gia có chủ quyền. Xét các yếu tố cấu thành một quốc gia từ Nghị định Montevideo thì:
- Có dân cư thường xuyên: Thành quốc Vatican có hơn 800 dân cư thường xuyên sinh sống, trong đó có những dân cư mang quốc tịch của mình.
- Có lãnh thổ xác định: được phân định rất rõ ràng và không hề có tranh chấp với lãnh thổ bên ngoài là thành phố Rome.
- Có chính phủ: có một bộ máy chính phủ khá hoàn chỉnh như đã phân tích, có khả năng thực hiện các công việc quản lý đất nước.
- Có năng lực tham gia quan hệ với các chủ thể khác: Vatican hoàn toàn có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ quốc tế.

Như vậy căn cứ theo nghị định trên thì Vatican đã có đủ điều kiện để trở thành một quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ của Thành quốc Vatican lại bị tác động cực kỳ sâu sắc từ Giáo hội, thông qua Tòa thánh Vatican và đặc biệt là Giáo hoàng. Việc điều hành đất nước được thực hiện qua những con người khác trực thuộc Tòa thánh. Do đó Thành quốc Vatican khó có thể hành động độc lập ra khỏi ý chí  của Tòa thánh.

Trên thực tế, đối với một số ít tổ chức mà Thành quốc Vatican tham gia thì quốc gia này cũng chỉ tham gia với tư cách là một khu vực địa lý chứ không dưới danh nghĩa một quốc gia.

Mặt khác, với diện tích, dân số và tiềm lực kinh nhỏ bé, Vatican không thể tự mình vận hành một nền kinh tế độc lập, cung cấp các dịch vụ công cộng cho người dân của mình mà phải phụ thuộc vào Italia và Tòa thánh. Như vậy Vatican không những phụ thuộc vào ý chí mà còn phụ thuộc cả vào kinh tế của chủ thể khác.

Kết luận lại, tuy Thành quốc Vatican đã đáp ứng được đầy đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia – chủ thể của luật quốc tế, nhưng cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy Thành quốc Vatican không có đủ khả năng tự mình tham gia vào quan hệ luật quốc tế với tư cách là một quốc gia độc lập.

2. Tư cách chủ thể của Tòa thánh

Rõ ràng Tòa thánh không thuộc vào 1 trong 3 tư cách chủ thể cơ bản của Luật quốc tế:
- Nếu xếp Tòa thánh vào tư cách quốc gia, thì sẽ không thỏa điều kiện có dân cư ổn định và lãnh thổ xác định.
- Nếu xếp vào tư cách Dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết hoặc tổ chức quốc tế liên chính phủ  thì lại càng không thỏa mãn yếu tố nào.

Nhưng thực tiễn cho thấy Tòa thánh đã thiết lập quan hệ với rất nhiều các chủ thể khác, và được hầu hết các chủ thể này thừa nhận là một chủ thể của luật quốc tế.

Quan điểm của Vương Quốc Anh về vấn đề tư cách của Tòa Thánh:
Our diplomatic ties - like all other 178 states - are with the Holy See. It is not the same as the Vatican City State. The Holy See is the universal government of the Catholic Church and operates from the Vatican City State, a sovereign, independent territory of 0.44 square kilometres. The Pope is the ruler of both the Vatican City State and the Holy See. The Holy See acts and speaks for the whole Catholic Church. It is also recognised by other subjects of international law as a sovereign juridical entity under international law, headed by the Pope.[10]
Quan điểm của Hoa Kỳ cũng hoàn toàn tương tự trong vấn đề này:
The Holy See is the universal government of the Catholic Church and operates from Vatican City State, a sovereign, independent territory of 0.44 square kilometers (0.17 square miles). The Pope is the ruler of both Vatican City State and the Holy See. The Holy See, as the supreme body of government of the Catholic Church, is a sovereign juridical entity under international law.[11]

Qua trích dẫn quan điểm từ 2 quốc gia lớn trên, có thể thấy Tòa thánh đã được cộng đồng thế giới công nhận rộng rãi là một chủ thể của luật quốc tế, độc lập ra khỏi lãnh thổ nơi nó có trụ sở là Thành quốc Vatican.

Thật vậy, Tòa thánh đã bắt đầu thiết lập quan hệ với các quốc gia khác kể từ thế kỉ 15, cho đến nay đã thiết lập quan hệ với 179 quốc gia khác. Tòa thánh cũng là thành viên của rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó phải kể đến vai trò quan sát viên thường trực của Liên hợp quốc, WTO, UNESCO…

Trong các quan hệ của mình, Tòa thánh còn thể hiện vai trò đặc biệt khi là một trong những thực thể hiếm hoi thiết lập quan hệ ngoại giao với các thực thể khác chưa được công nhận là chủ thể của luật quốc tế như vùng lãnh thổ Đài Loan, Tổ chức Giải phóng Palestine.

Để tìm hiểu về bản chất của thực thể Tòa thánh này, cần quay lại một số sự kiện trong lịch sử. Từ thế kỷ thứ 5 sau CN Tòa thánh đã bắt đầu có mối quan hệ với Đế quốc Byzantine, đến thế kỷ 15 thì các quốc gia đã bắt đầu gửi đại sứ đến Giáo hoàng ở Rome. Cần biết rằng  trước năm 1870 đã từng tồn tại vương quốc riêng của  nhà thờ (Papal State), mà đứng đầu là Giáo hoàng. Tuy vậy, các mối quan hệ được thiết lập với vương quốc này đều được thực hiện dưới danh nghĩa là quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, chứ không phải là với quốc gia mà Tòa thánh có trụ sở.

Mối quan hệ giữa các quốc gia với Tòa thánh được xây dựng trên cơ sở sự phục tùng về tôn giáo. Công giáo đã được lan truyền khắp châu Âu vào thời kỳ trung cổ và trở thành một thế lực thống trị tư tưởng con người. Sự thần phục của các quốc gia đối với Tòa thánh là do họ tin vào sức mạnh của Chúa trời, mà Tòa thánh là đại diện của Chúa.

Không giống như sự thần phục của các quốc gia đối với một đế quốc cụ thể, như La Mã hay Mông Cổ, sự thần phục này chỉ gắn liền với sức mạnh tối cao do Tòa thánh đại diện. Do đó dù có tồn tại ở hình thức một quốc gia, hay một tổ chức tôn giáo đơn thuần, thì Tòa thánh vẫn có thể thiết lập quan hệ với các quốc gia nơi mà Công giáo là quốc giáo. Với sự lớn mạnh dần của Công giáo thì các quốc gia khác cũng thừa nhận tư cách độc lập của Tòa thánh.

Chứng minh cho điều này, vào khoảng năm 1800 và giai đoạn 1808-1814 Tòa thánh đã bị Pháp – đứng đầu là Napoleon xâm lược và trở nên mất chủ quyền đối với quốc gia của mình. Từ năm 1870 đến năm 1929 Tòa thánh lại mất Rome vào tay Vương quốc Italia. Thế nhưng trong tất cả những thời điểm trên Tòa thánh vẫn có khả năng quan hệ bình thường với các quốc gia khác.

Trở lại vấn đề tư cách chủ thể của Tòa thánh, hiện tại có 4 luồng quan điểm như sau:
- Một số học giả cho rằng, tư cách hiện tại của Tòa thánh là kết quả của việc đã từng có vai trò thống trị trong thời đại Trung cổ.
- Một số khác cho rằng tư cách của Tòa thánh đơn giản xuất hiện là vì được sự công nhận của các quốc gia khác
- Quan điểm thứ 3 cho rằng tư cách chủ thể của Tòa thánh phần lớn là do vị trí độc đáo của nó trong lĩnh vực tinh thần
- Quan điểm thứ 4 cho rằng tư cách chủ thể của Tòa thánh xuất hiện là do Hiệp ước Lateran

Tác giả cho rằng quan điểm thứ nhất là chính xác nhất, bởi nó vừa thể hiện được tính lịch sử vừa thể hiện được bản chất thống lĩnh tinh thần con người của Tòa thánh.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, nếu không có sự công nhận từ các quốc gia khác thì Tòa thánh cũng không thể thực hiện khả năng quan hệ quốc tế rộng rãi được. Việc thỏa mãn điều kiện trở thành chủ thể luật quốc tế nếu không gắn liền với sự thừa nhận của các chủ thể khác thì cũng sẽ vô nghĩa vì chủ thể đó không thể tiến hành quan hệ quốc tế một cách bình thường được.

Mặt khác, Hiệp ước Lateran cũng là một cơ sở pháp lý để tách biệt Vatican ra khỏi Tòa thánh, tại điều 2 Hiệp ước, phía Italia thừa nhận:
The sovereignty of the Holy See in the international domain as an attribute inherent in its nature, in accordance with its tradition and with the requirements of its mission in the world
Điều 4 Hiệp ước ghi nhận
The sovereignty and exclusive jurisdiction over Vatican City which Italy recognizes as pertaining to the Holy See means that within the same City there cannot be any interference on the part of the Italian Government and that there is no other authority there than that of the Holy See.

Đây cũng là một cơ sở pháp lý quan trọng để thừa nhận rằng Thành quốc Vatican vẫn chịu sự quản lý từ Tòa thánh.

Với một bộ máy hoạt động được quy định chặt chẽ và có hoạt động bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và tinh thần của giáo dân Rome, Tòa thánh có thể được xem như một “chính phủ” của một quốc gia mà lãnh địa bao trùm lên tất cả những nơi có tín đồ Công giáo sinh sống.

Tòa thánh cũng thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp qua việc ban hành và cho thực hiện những điều lệnh tôn giáo, và cũng thực hiện những công việc xét xử thông qua hệ thống Tòa án của riêng mình.

Mặc dù độc lập về mặt tư cách với Thành quốc Vatican nhưng Tòa thánh vẫn có sự liên hệ mật thiết về lãnh thổ, và có khả năng tác động sâu sắc đến hoạt động của Thành quốc Vatican.

Tóm lại, Tòa thánh Vatican được công nhận là một chủ thể đặc biệt của Luật quốc tế, với bản chất gần như một quốc gia – nhưng không gắn liền với lãnh thổ, và có khả năng thiết lập quan hệ với các chủ thể khác của Luật quốc tế một cách độc lập và tự do về ý chí.

Kết luận

Bài viết đã cung cấp cái nhìn cơ bản nhất về bản chất, nguyên nhân hình thành các tư cách của Thành quốc Vatican và Tòa thánh Vatican, mối quan hệ qua lại giữa 2 chủ thể này, đồng thời qua đó bổ sung kiến thức về các tư cách chủ thể của luật quốc tế, ý nghĩa thực tiễn từ việc được công nhận tư cách chủ thể.

Có thể thấy từ việc 2 chủ thể trên, 1 đáp ứng được các điều kiện để trở thành chủ thể luật quốc tế - nhưng lại không trở thành một chủ thể trên thực tế, 1 không thuộc vào tư cách nào trong các tư cách chủ thể được thừa nhận rộng rãi – lại trở thành một chủ thể phổ biến và quan trọng trong cộng đồng quốc tế; đó là minh chứng cho sự linh hoạt của luật quốc tế hiện đại, mặt khác cũng cho thấy tầm quan trọng của việc so sánh giữa thực tế và lý luận.



Tài liệu tham khảo


1. ĐH Luật Hà Nội  (2006), Giáo trình Luật Quốc tế, NXB Công an nhân dân
2. Lateran Treaty (1929)
3. Montevideo Convention (1933)
4. Acquaviva  G. , (2005), “Subjects of International Law: A Power-Based Analysis”, Vanderbilt Journal of Transnational Law , vol. 38, pp. 215
5. Josef L. Kunz (1952), “The Status of the Holy See in International Law”, The American Journal of International Law, Vol. 46, pp. 308-314
7. Holy See Press Office (2006), Holy See and State of Vatican City General Information, http://www.vatican.va/news_services/press/documentazione /documents/sp_ss_scv/informazione_generale/sp_ss_scv_info-generale_en.html


Các chú thích:

[1] Liên hợp quốc (1970), Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc
[4] Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình Luật quốc tế, tr. 66
[5] Pontifical Commission for Vatican City State
[6] The Fundamental Law of Vatican City State
[7] Law of the Source of Laws; Law on the Rights of Citizenship and Sojourn; Law on Administrative Organization; Law on Economic, Commercial, and Professional Organization; Law of Public Security
[8] ZENIT, http://www.zenit.org/article-31900?l=english, truy cập ngày 11/6/2012
[9] Còn gọi là Giáo hội Công giáo Rome, Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã
[10] Francis Campbell,  Phát biểu của Đại sứ Vương quốc Anh ở Tòa thánh ngày 14/10/2010, Nhà thờ St.Mary ở New Castle, Vương quốc Anh, tham khảo tại http://www.sces.uk.com/articles/ambassadors-address-on-uk-holy-see-relations.html, truy cập ngày 11/6/2012
[11] Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, http://www.state.gov/r/pa/ei/bgn/3819.htm, truy cập ngày 11/6/2012

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Báo cáo về Phân loại rủi ro nhân quyền liên quan đến AI tạo sinh

DẠY TIẾNG ANH CHO TRẺ EM: NHỮNG ĐIỀU BẬC CHA MẸ NÊN BIẾT

Sự lầm tưởng về tính công bằng của quyết định tập thể